Nhiều người tiêu dùng vẫn khá cân nhắc quyết định mua xe trong thời điểm gần một tháng sau Chỉ thị 12 ngày 21/4/2024, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng trong tháng Năm về gia hạn thời hạn nộp thuế, giảm lệ phí trước bạ ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước.
Anh Tuấn Hải (Hoàng Mai, Hà Nội) đang có kế hoạch "tậu" chiếc xe Honda CR-V bản L, lắp ráp trong nước. Khi “hóng” thông tin sắp được giảm lệ phí trước bạ, anh Hải (Long Biên, Hà Nội) bèn gọi điện ngay cho nhân viên tư vấn bán hàng của đại lý thông báo hoãn ký hợp đồng mua xe, chờ thêm một thời gian nữa.
“Từ thời điểm đầu tháng Năm, khi nghe thông tin từ Honda cũng như từ tư vấn bán hàng cho biết giảm giá sâu cho các xe CR-V đời 2023, tôi đã nghĩ việc mua xe vào thời điểm này là ‘đáy’ rồi. Tuy nhiên, khi có thông tin sẽ giảm 50% lệ phí trước bạ, tôi muốn chờ thêm vì sẽ tiết kiệm được đến 50 triệu đồng tiền lăn bánh. Đằng nào cũng chờ thì chờ thêm một thời gian nữa cũng không sao,” anh Hải chia sẻ.
Trường hợp của anh Hải giống như nhiều khách hàng trong thời gian gần đây, đều muốn đợi chính sách ưu đãi lệ phí trước bạ của nhà nước cho xe lắp ráp, sản xuất trong nước được ban hành.
Số liệu của Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) cho thấy trong tháng Tư vừa rồi số xe du lịch bán ra trên toàn thị trường của các đơn vị thành viên đạt 24.350 xe, giảm 9% so với tháng trước. Đà giảm diễn ra ở hầu hết các thương hiệu phân phối ôtô chính hãng tại Việt Nam trong đó Honda là thương hiệu có doanh số giảm mạnh nhất, giảm tới 36% so với tháng trước; các thương hiệu Hyundai, Mitsubishi, Isuzu, Ford… ghi nhận mức giảm nhẹ hơn.
Ghi nhận tại một số showroom ôtô ở Hà Nội thời điểm hiện tại, dù vẫn có khách hàng ra vào nhưng chủ yếu để xem xe, nghe tư vấn, khảo giá… nhưng lượng đặt cọc hợp đồng, chốt mua xe còn chưa nhiều.
Anh Quang Hiếu, quản lý bán hàng của một đại lý Honda thuộc quận Hoàng Mai, Hà Nội cho rằng tâm lý nhiều khách hàng khi biết được thông tin trên đã lùi chậm lại ý định mua xe để chờ có thông tin chính thức mới xuống tiền.
"Một số mẫu xe lắp ráp như CR-V hay City nếu được áp dụng lệ phí trước bạ sẽ giảm được từ 35-65 triệu đồng. Số tiền này đủ lớn để nhiều người hoãn lại việc tậu xe của mình. Tuy nhiên, hiện chúng tôi cũng đang có chính sách hỗ trợ tương tự từ hãng nên luôn khuyến khích khách đặt cọc sớm để giữ được quyền lợi," anh Hiếu nói.
Việc khách hàng mang tâm lý chờ giảm lệ phí trước bạ mới hoàn tất thủ tục thanh toán, đăng ký nhận xe khiến không ít đại lý xe ôtô rơi vào cảnh “dở khóc, dở cười.”
Anh Lê Sơn, tư vấn bán hàng đại lý xe Kia quận Hai Bà Trưng, Hà Nội cho hay có nhiều khách hàng đã quyết định “xuống cọc” mua xe, phía đại lý cũng đã chuẩn bị sẵn xe để giao nhưng khách hàng vẫn chưa chịu giải ngân nốt để chờ ngóng chính sách.
“Một số khách hàng mua xe thậm chí đặt trước 70% giá trị hợp đồng nhưng chưa lấy xe, đại lý cũng chưa xuất hóa đơn. Chờ đến khi áp dụng mức thuế trước bạ mới, khách đến trả nốt 30% tiền xe, đại lý xuất hóa đơn và đi đăng ký để được hưởng lợi,” anh Sơn nói.
Nhìn lại 3 năm qua, chính sách giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước đã từng đem tới những hiệu quả thiết thực ở 3 lần thực hiện trước.
Trong hai lần đầu tiên (đợt 1 từ 29/6-31/12/2020 và đợt 2 từ 1/12/2021-31/5/2022) chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ đã góp phần kích thích tâm lý mua sắm ôtô của người dân, đồng thời giúp các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh ôtô lấy lại đà tăng trưởng doanh số. Đặc biệt, ở lần giảm lệ phí trước bạ thứ 2 đã giúp lũy kế doanh số ôtô cả năm tăng trưởng ấn tượng, đạt 404.635 xe, tăng 33% so với năm 2021 và là mức doanh số cao nhất trong lịch sử ngành ôtô Việt Nam.
Tuy nhiên, khi tiếp tục được áp dụng lần thứ ba vào nửa cuối năm 2023, chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ đã không còn vực nổi thị trường ôtô vốn giảm mạnh về sức mua nhưng vẫn góp phần khuyến khích và kích cầu phục hồi nhẹ.
Anh Việt Hưng, chuyên gia trong ngành xe cho biết những tháng đầu năm 2024 còn đang rất yếu, các hãng xe đua nhau giảm giá, khuyến mại lớn chưa từng thấy. Trong bối cảnh này, một “cú hích” từ Chính phủ như việc giảm lệ phí trước bạ sẽ giúp người dân mạnh dạn hơn trong việc chi tiêu, mua sắm ôtô, qua đó kích thích kinh tế phát triển.
“Với người mua xe thì khi được giảm bớt chi phí đóng trước bạ, họ sẽ kích thích hơn và sẵn sàng bỏ tiền để mua xe để thoả mãn nhu cầu cá nhân. Còn đối với nhà sản xuất lắp ráp trong nước, việc này sẽ giúp tổng cầu thanh toán tăng lên từ đó tăng sản lượng, tăng việc làm, tăng lợi nhuận…,” anh Hưng nhận định.
Tương tự, ông Đào Công Quyết, Trưởng Tiểu ban truyền thông Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) cũng cho rằng kinh nghiệm triển khai chính sách này trong thời gian trước góp phần rất nhiều hỗ trợ tài chính cho người dân doanh nghiệp thông qua việc trực tiếp giảm chi phí khi đăng ký quyền sở hữu ôtô, từ đó kích thích nhu cầu, thúc đẩy người dân, doanh nghiệp mua sắm ôtô phục vụ tiêu dùng và sản xuất kinh doanh
Có thể thấy, các chuyên gia và doanh nghiệp trong ngành ôtô đều mong muốn được tiếp tục giảm lệ phí trước bạ để hỗ trợ cho người tiêu dùng cũng như gia tăng doanh thu. Khi nền kinh tế đang có dấu hiệu tốt lên, lãi suất mua ôtô vẫn đang ở mức thấp cùng các chính sách kích cầu của hãng xe, thì việc giảm lệ phí trước bạ ôtô lắp ráp, trong nước sẽ phát huy được hiệu quả, vực dậy doanh số toàn thị trường ôtô những tháng cuối năm 2024.